Chăm sóc răng miệng hàng ngày thế nào cho đúng?

Chăm sóc răng miệng là việc làm cần thiết của mỗi người. Chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách sẽ ngăn ngừa các bệnh về nướu, giúp bảo vệ sức khoẻ và mang lại sự tự tin. Dưới đây bạn có thể tham khảo cách chăm sóc răng miệng bằng những bí quyết đơn giản để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân.

 

Chăm sóc răng miệng là việc làm cần thiết của mỗi người

Chăm sóc răng miệng là việc làm cần thiết của mỗi người

 

Đánh răng khoa học

Sử dụng kem đánh răng có chứa chất Fluoride: Fluoride là chất giúp ngăn ngừa sâu răng và hình thành xương mới thường có trong các sản phẩm kem đánh răng. Tuy vậy bạn không nên quá lạm dụng chất này vì nó có thể làm răng bị đổi màu. Lượng kem đánh răng có chứa Fluoride được khuyên dùng theo từng độ tuổi như sau:

Từ 0 - 18 tháng tuổi: Không sử dụng kem đánh răng, chỉ nên dùng nước sạch để súc miệng cho bé.

Từ 18 tháng tuổi - 6 tuổi: Nên dùng một lượng kem đánh răng có chất fluoride nhỏ bằng hạt đậu.

> 6 tuổi: Sử dụng kem đánh răng có chất fluoride theo hướng dẫn từ phía nhà sản xuất in trên bao bì.

Không nên đánh răng quá mạnh. Thay vào đó hãy đánh răng nhẹ nhàng theo vòng tròn bao gồm cả mặt trong, mặt ngoài của răng và lưỡi. Làm sạch răng và dọc theo đường nướu răng. 

Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày (đặc biệt là sáng và tối trước khi ngủ), mỗi lần kéo dài từ 2 – 3 phút. Sau khi đánh răng cần nhổ kem đánh răng, không nuốt nó. Đồng thời súc miệng lại bằng nước sạch. Nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng ít nhất 1 lần trong ngày.

 

Sử dụng nước súc miệng một cách thông minh

Chọn nước súc miệng phù hợp: có chứa Fluor và không có chất alcohol. Dùng sau khi đánh răng. Không dùng nước súc miệng quá 2 – 3 lần/ngày.

Nên ngậm khoảng 30 giây để nước súc miệng tiêu diệt các loại vi khuẩn trong khoang miệng. Sau khi dùng nước súc miệng, bạn không nên ăn sau khoảng nửa giờ.

Lưu ý không được nuốt nước súc miệng. Nên chọn mua những loại có uy tín đã được cơ quan chức năng kiểm chứng chất lượng.

 

Chế độ ăn phù hợp và hạn chế hút thuốc

Tránh ăn quá nhiều đồ ngọt và nước uống có gas. Không nên hút thuốc. Người hút thuốc thường có nhiều vấn đề về răng và nướu hơn người không hút thuốc.

Khi bạn ăn các món ngọt, đường sẽ chuyển hóa thành axit trong miệng nên có thể làm mòn men răng, dẫn đến sâu răng. Trái cây chứa nhiều axit như dâu tây, cam chanh, dứa cùng trà và cà phê cũng ảnh hưởng đến men răng. Dĩ nhiên, bạn không cần thiết phải hoàn toàn tránh xa những loại thực phẩm hay thức uống này nhưng hãy chú ý súc miệng bằng nước lọc sau khi thưởng thức chúng.

 

Giữ bàn chải sạch sẽ

Mặc dù bàn chải của bạn trông sạch sẽ sau khi đã hoàn thành việc đánh răng, vi khuẩn gây hôi miệng và sâu răng vẫn có thể phát triển trên đó. Hãy rửa sạch bàn chải sau khi sử dụng để giúp loại bỏ các vi khuẩn có hại. Nên mua một chiếc ly để cắm bàn chải, đừng để nó chạm vào bồn rửa mặt hay các đồ vật khác trong phòng tắm.

Thay đổi bàn chải đánh răng 3–4 lần trong năm.

 

Khám răng ít nhất 2 lần/năm

Dù cho bạn có thói quen vệ sinh răng miệng hàng ngày rất tốt thì vẫn nên đến nha sĩ định kỳ tối thiểu 2 lần một năm. Nha sĩ sẽ thực hiện dịch vụ chăm sóc răng miệng nhằm giúp bạn tìm kiếm và loại bỏ nguy cơ sâu răng mà còn có thể phát hiện ra những vấn đề nguy cơ và đưa ra giải pháp ngăn chặn hay điều trị phù hợp và hiệu quả. 

 

Cách chăm sóc sức khỏe răng miệng đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Cần chăm sóc răng miệng sớm ngay từ khi mọc chiếc răng sữa đầu tiên, thường là vào 6 tháng tuổi.

Làm sạch răng mới mọc hằng ngày bằng cách cọ xát nhẹ nhàng với khăn ướt sạch. Khi răng lớn hơn thì dùng bàn chải dành cho trẻ em.

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nên dùng kem đánh răng. Thay vào đó, bố mẹ hãy cho bé đánh răng với nước.

Chỉ nên cho một lượng vừa phải kem đánh răng chứa fluoride với kích thước khoảng hạt đậu Hà Lan trên bàn chải, vì quá nhiều sẽ khiến cho răng của trẻ có đốm trắng.

Không cho bé ngậm bình sữa hay uống nước trái cây trước khi ngủ vì có thể khiến cho sữa hoặc nước trái cây đọng lại trong miệng và là nguyên nhân gây ra chứng sâu răng do bú bình.

Giáo dục sức khỏe răng miệng cho trẻ. Dạy trẻ tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh răng miệng và cách đánh răng đúng.

Khi trẻ được 2 tuổi, bố mẹ có thể để trẻ tự đánh răng dưới sự hướng dẫn và quan sát của người lớn.

Hạn chế cho trẻ ăn thức ăn nhanh, kẹo dẻo, bánh kẹo ngọt, thức uống có gas. Khuyến khích trẻ ăn nhiều trái cây tươi và rau xanh.

Đưa trẻ đến khám nha khoa thường xuyên, nên bắt đầu cho trẻ em đến nha khoa từ lúc 1 tuổi.

 

Cần lưu ý những sai lầm trong vệ sinh răng miệng

Đánh răng không đúng cách sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công vào răng, nướu, làm mòn lớp men răng và gây hiện tượng nhạy cảm ê buốt răng.

Sử dụng nước súc miệng là sản phẩm hỗ trợ giúp làm sạch răng miệng và loại bỏ các mảng bám trên răng. Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều lần trong 1 ngày có thể làm thay đổi môi trường cân bằng vùng miệng và diệt những vi khuẩn có lợi ở trong khoang miệng.

Việc đánh răng quá kỹ hoặc chà xát mạnh không những không sạch răng mà còn có nguy cơ làm tổn thương răng và nướu.

Trên thực tế, bàn chải có lông cứng sẽ không có tác dụng loại bỏ mảng bám tốt hơn bàn chải lông mềm. Khi kết hợp cùng việc đánh răng quá kỹ, loại bàn chải này sẽ gây ra nhiều cảm giác khó chịu trong suốt quá trình chải răng và có thể bị chảy máu khi chà mạnh.

Chỉ đến nha sĩ khi răng sâu, răng đau: Đây là một trong những quan niệm sai lầm mà nhiều người mắc phải. Có rất nhiều vấn đề về răng miệng có tiến triển âm thầm, nhất là viêm nha chu. Phát hiện trễ các vấn đề răng miệng sẽ khiến bạn tốn nhiều chi phí và thời gian hơn để điều trị./.

Nguồn: https://baodantoc.vn/cham-soc-rang-mieng-hang-ngay-the-nao-cho-dung-1635754072485.htm

Chat với chúng tôi